Phát triển du lịch Đà Nẵng trở thành trung tâm hội nghị, sự kiện kết hợp tham quan nghỉ dưỡng
Phát triển du lịch Đà Nẵng trở thành trung tâm hội nghị, sự kiện kết hợp tham quan nghỉ dưỡng
(Tổ Quốc) - Năm 2019, du lịch Đà Nẵng phát triển theo hướng trở thành trung tâm hội nghị, sự kiện kết hợp tham quan nghỉ dưỡng; ưu tiên phát triển sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng biển cao cấp, du lịch công vụ…
Đó là chia sẻ của ông Nguyễn Xuân Bình, Phó Giám đốc Sở Du lịch thành phố Đà Nẵng với Báo điện tử Tổ Quốc trong những ngày đầu năm mới Kỷ Hợi 2019.
+ Ông đánh giá như thế nào về kết quả mà ngành du lịch Đà Nẵng đạt được trong năm 2018? Đặc biệt xuất hiện nhiều sản phẩm du lịch mới, hấp dẫn, thu hút du khách trong nước và quốc tế, qua đó quảng bá hình ảnh Đà Nẵng khắp toàn cầu?
Ông Nguyễn Xuân Bình: Trong năm 2018, được sự quan tâm chỉ đạo của các cấp lãnh đạo thành phố, sự hỗ trợ của các ngành, các cấp, doanh nghiệp và cộng đồng người dân thành phố, ngành du lịch Đà Nẵng đã đạt được những kết quả tích cực.
Tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm về khách du lịch đến Đà Nẵng trong những năm qua ngày càng tăng (giai đoạn 2015-2018 đạt 18,26%, vượt so với chỉ tiêu đề ra là 13,06% mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP giao). Năm 2018, tổng lượt khách tham quan, du lịch đến Đà Nẵng đạt 7,66 triệu lượt, tăng 15,5% so với năm 2017, đạt 102,5 % kế hoạch; trong đó khách quốc tế đạt 2,875 triệu lượt, tăng 23,3% so với năm 2017, đạt 106,5% kế hoạch và khách nội địa đạt 4,785 triệu lượt, tăng 11,2% so với năm 2017, đạt 100,3% kế hoạch. Tổng thu từ hoạt động du lịch ước cả năm 2018 đạt 24.060 tỷ đồng, tăng 23,3% so với năm 2017, đạt 106,9% kế hoạch.
Bên cạnh đó, ngành du lịch đã quan tâm đẩy mạnh công tác xúc tiến, quảng bá du lịch, tích cực tham gia các hội chợ, quảng bá đến các thị trường quốc tế tại Nhật Bản, Hàn Quốc, Indonesia, Thái Lan, Singapore, Hồng Công, Trung Quốc… Đặc biệt, mới đây ngành du lịch đã xúc tiến và tổ chức thành công đón đường bay Doha-Đà Nẵng do Hãng hàng không Qatar Airways khai thác, việc đưa vào khai thác đường mới này sẽ mở ra cơ hội kết nối với 150 điểm đến trong mạng lưới đường bay của Qatar Airways, đặc biệt là du khách đến từ các thị trường tiềm năng của Đà Nẵng như Tây Âu và Bắc Mỹ... đã góp phần tạo thương hiệu hình ảnh của thành phố với bạn bè trong và ngoài nước.
Du khách quốc tế đến Đà Nẵng dịp Tết Nguyên đán 2019. Ảnh: Đức Hoàng
Ngoài ra, Sở đã phối hợp với các ngành tham mưu UBND TP ban hành các Đề án, kế hoạch nhằm tạo ra các sản phẩm du lịch mới, như: Đề án Khu phố du lịch An Thượng trên địa bàn quận Ngũ Hành Sơn; Đề án quản lý và khai thác du lịch tuyến đường Nguyễn Tất Thành giai đoạn 2018-2020; một số sản phẩm du lịch mới: Chợ đêm Sơn Trà, Show diễn Áo Dài Story... Trên địa bàn thành phố hiện có 752 cơ sở lưu trú du lịch với 33.665 phòng, trong đó có 173 khách sạn từ 3-5 sao với 21.720 phòng, đứng thứ 2 cả nước, sau thành phố Hồ Chí Minh.
Đặc biệt, mới đây Đà Nẵng được Tạp chí The New York Times (Mỹ) bình chọn vào top 52 điểm đến hấp dẫn nhất năm 2019, với thứ hạng ở vị trí 15/52.
+ Thời gian qua, Đà Nẵng cũng nổi lên hoạt động tour du lịch giá rẻ, tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng tới môi trường du lịch và gây thất thu. Ông cho biết ngành đã quản tour du lịch giá rẻ này như thế nào?
Ông Nguyễn Xuân Bình: Thời gian qua, du lịch Đà Nẵng đã có những bước phát triển khá nhanh, tuy nhiên cũng đã xuất hiện tình trạng kinh doanh tour du lịch giá rẻ theo quy luật cung cầu. Năm 2018, Sở Du lịch đã chủ trì, tham mưu UBND thành phố chỉ đạo các ngành chức năng, địa phương triển khai các giải pháp quản lý tour giá rẻ thị trường khách Trung Quốc, Hàn Quốc tại Kế hoạch số 4293/UBND-SDL.
Sở đã rà soát, đánh giá về thực trạng tour du lịch giá rẻ và tham mưu UBND thành phố chỉ đạo các Sở ngành chức năng, địa phương, tổ chức xã hội nghề nghiệp thực hiện các giải pháp hạn chế tiêu cực tour giá rẻ lồng ghép với chỉ đạo của Chính phủ; ngoài ra Sở đã có báo các chuyên đề rà soát, đánh giá thực trạng tour giá rẻ và đề xuất UBND thành phố các giải pháp tăng cường quản lý, cụ thể: UBND chỉ đạo Công an thành phố phối hợp các địa phương kiểm tra tạm trú của người nước ngoài trên địa bàn; chỉ đạo Sở LĐTBXH rà soát, kiểm tra tình hình sử dụng lao động người nước ngoài tại các đơn vị kinh doanh du lịch, dịch vụ du lịch trên địa bàn thành phố; chỉ đạo ngân hàng nhà nước quản lý chặt chẽ thanh toán ngoại hối.
Ông Nguyễn Xuân Bình, Phó Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng. Ảnh: Đức Hoàng
Nhằm tăng cường kiểm soát hướng dẫn viên (HDV) trái phép và đảm bảo tài sản du khách, đã triển khai lắp đặt camera trên xe vận chuyển du lịch với 20 đơn vị đã lắp đặt trên 121 xe. Thành lập Hội vận chuyển du lịch. Xây dựng Kế hoạch mở rộng thị trường khách quốc tế, mục tiêu giai đoạn 2019 – 2021, đẩy mạnh xúc tiến, mở rộng khai thác thị trường khách Nhật Bản, Úc, Ấn Độ, Tây Âu và Nga. Triển khai đại diện du lịch Đà Nẵng tại Hàn Quốc, Nhật Bản. Triển khai các giải pháp có các tiêu chí để đánh giá chất lượng dịch vụ: Chuẩn hóa ngành du lịch với tiêu chí "Chuẩn lưu trú", "Chuẩn Hướng dẫn viên", "Chuẩn sản phẩm dịch", "Chuẩn môi trường du lịch" để thu hút nguồn khách có chất lượng cao, nâng cao chi tiêu du khách.
Xây dựng bài thuyết minh bằng tiếng Việt, Trung, Hàn giới thiệu về các điểm đến du lịch tại Đà Nẵng, gửi doanh nghiệp, HDV sử dụng, ngăn ngừa tuyên truyền sai lệch về văn hóa, lịch sử. Phối hợp Sở Thông tin Truyền thông và các báo chí tuyên truyền các chuyên đề hoạt động của ngành du lịch, nâng cao nhận thức các ngành, các cấp và người dân.
Tổ chức khảo sát thực trạng doanh nghiệp lữ hành và HDV để xây dựng giải pháp nâng cao năng lực doanh nghiệp và chất lượng HDV. Phối hợp Hội Lữ hành tổ chức Hội thảo "Nâng cao năng lực hội nhập quốc tế của điểm đến Đà Nẵng" để đề xuất giải pháp nâng cao năng lực doanh nghiệp và chất lượng dịch vụ, nguồn nhân lực du lịch, đổi mới phương thức kinh doanh phù hợp với xu hướng cách mạng công nghiệp 4.0.
Tổ chức phổ biến Luật Du lịch 2017 cho doanh nghiệp lữ hành, HDV; đào tạo nghiệp vụ du lịch cho HDV, lái xe, lái tàu du lịch. Ban hành nhiều văn bản đề nghị doanh nghiệp lữ hành tuân thủ pháp luật, sử dụng HDV đủ điều kiện hành nghề, nghiêm cấm sử dụng người nước ngoài hướng dẫn; quán triệt đối tác nước ngoài tuân thủ pháp luật Việt Nam; khuyến cáo, ngăn ngừa hoạt động thanh toán, chuyển tiền trái phép ra nước ngoài.
+ Việc tăng cường thanh kiểm tra hoạt động lữ hành, hướng dẫn viên trái phép như thế nào, thưa ông?
Ông Nguyễn Xuân Bình: Đối với hoạt động kinh doanh lữ hành, Thanh tra Bộ VHTTDL và Thanh tra Sở Du lịch đã thanh kiểm tra 31 đơn vị, tước quyền sử dụng Giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế có thời hạn đối với 02 đơn vị (Công ty TNHH Quốc tế Armada; Công ty Mỹ Khê Holiday). Xử phạt 10 đơn vị vi phạm trong hoạt động kinh doanh lữ hành với số tiền 86 triệu đồng.
Đối với người nước ngoài hướng dẫn du lịch trái phép: Thanh tra Sở Du lịch và Công an thành phố đã phối hợp thanh, kiểm tra và xử phạt 38 người nước ngoài hướng dẫn du lịch trái phép với số tiền 687,5 triệu đồng (23 người Trung Quốc và 15 người HQ), hủy thị thực buộc xuất cảnh và đưa vào diện công tác quản lý của công an. Trong đó, Thanh tra Sở xử phạt 08 trường hợp (01 người Trung Quốc và 07 người Hàn Quốc) với số tiền là 142,5 triệu đồng và Công an thành phố xử phạt 30 trường hợp (08 người Hàn Quốc, 22 người Trung Quốc) với số tiền 545 triệu đồng.
Xử phạt 43 trường hợp về hoạt động hướng dẫn của người Việt Nam với số tiền 169,4 triệu đồng vi phạm hoạt động hướng dẫn du lịch tại khu điểm du lịch. Đã xử phạt 21 trường hợp vi phạm sử dụng bằng cấp giả trong hồ sơ xin cấp thẻ hướng dẫn viên và chuyển hồ sơ đến Công an thành phố để xử lý theo thẩm quyền.
Một hướng dẫn viên du lịch đang thuyết minh cho đoàn khách Trung Quốc tham quan Bảo tàng Đà Nẵng. Ảnh: Đức Hoàng
Chúng tôi đã phối hợp liên ngành thanh kiểm tra các chuỗi dịch vụ phục vụ du khách: Ngân hàng nhà nước Việt Nam chi nhánh Đà Nẵng chủ trì phối hợp Sở Du lịch và các ngành, kiểm tra 18 cơ sở dịch vụ phục vụ khách du lịch, xử phạt 02 cơ sở với số tiền 472,5 triệu đồng về vi phạm lĩnh vực kế toán và niêm yết giá bằng ngoại tệ và chuyển hồ sơ cho cơ quan Thuế tiếp tục làm rõ 04 trường hợp có dấu hiệu vi phạm về thuế (không xuất hóa đơn cho khách; không mở sổ sách kế toán...).
Cục Thuế đã triển khai Kế hoạch chống thất thu thuế; kiểm tra, đã xử lý 29 doanh nghiệp lữ hành, cơ sở mua sắm có rủi ro cao về thuế, đã truy thu và phạt 9.39 tỷ đồng, giảm lỗ 8,7 tỷ đồng; xác định 08 trường hợp bỏ ngoài sổ sách kế toán doanh thu lữ hành lớn, dự kiến truy thu và phạt 6,9 tỷ đồng; chuyển công an điều tra xử lý 02 trường hợp. Đồng thời, đưa vào diện giám sát kê khai thuế đối với 44 nhà hàng, doanh thu chịu thuế GTGT phát sinh là 447,3 tỷ đồng đồng, số thuế GTGT phát sinh phải nộp 16,9 tỷ đồng; giám sát 29 khách sạn, doanh thu chịu thuế GTGT phát sinh là 728,58 tỷ đồng, số thuế GTGT phát sinh phải nộp 35,47 tỷ đồng.
Sở Công Thương và Chi cục QLTT đã kiểm tra, xử phạt 36 điểm mua sắm phục vụ khách du lịch vi phạm về nhãn hàng hóa, giá, hàng hóa không rõ nguồn gốc với số tiền 168,5 triệu đồng; kiểm tra và xử phạt 04 trường hợp phản ảnh của du khách với số tiền 112,75 triệu đồng.
Ngoài ra, Sở LĐTBXH đã phối hợp với Sở Du lịch và Công an thành phố rà soát, thống kê tình hình sử dụng lao động người nước ngoài tại 163 đơn vị kinh doanh du lịch, dịch vụ du lịch. Hiện nay, Sở LĐTBXH đang phối hợp Công an thành phố tập trung kiểm tra 47 đơn vị có sử dụng lao động nước ngoài theo chỉ đạo của UBND thành phố.
Để tiếp tục tăng cường công tác quản lý, năm 2019 Sở Du lịch sẽ tiếp tục triển khai và tham mưu triển khai một số công việc trọng tâm như sau: Tham mưu UBND thành phố Kế hoạch quản lý chấn chỉnh hoạt động kinh doanh lữ hành, hướng dẫn du lịch năm 2019, phối hợp chặt chẽ các ngành, thành lập đoàn liên ngành kiểm tra tập trung vào chống thất thu thuế, thanh toán giao dịch trong hoạt động kinh doanh du lịch, dịch vụ. Hoàn thành kết quả khảo sát điều tra doanh nghiệp lữ hành và HDV. Tiển khai giải pháp nâng cao năng lực doanh nghiệp và chất lượng hướng dẫn viên. Đưa vào kê khai giá dịch vụ lữ hành để tăng cường kiểm soát, giám sát việc lên doanh thu, nộp thuế của các đơn vị cung ứng dịch vụ, điểm mua sắm, công ty lữ hành. Ban hành Bộ quy tắc đạo đức nghề nghiệp cho HDV theo Luật Du lịch...
Du lịch Đà Nẵng phát triển theo hướng trở thành trung tâm hội nghị, sự kiện kết hợp tham quan nghỉ dưỡng. Ảnh: Đức Hoàng
+ Ông có thể chia sẻ hướng phát triển du lịch Đà Nẵng trong thời gian tới như thế nào?
Ông Nguyễn Xuân Bình: Trong thời gian tới sẽ bám sát Đề án "Phát triển du lịch thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2016-2020"; Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần XXI chọn du lịch là một trong 3 đột phá phát triển kinh tế-xã hội của Đà Nẵng. Đặc biệt là Nghị quyết 08 về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đây được coi là dấu ấn đặc biệt trong lịch sử ngành du lịch, sẽ là cơ hội, cú hích lớn, bước tạo đà giúp du lịch Việt Nam nói chung, du lịch Đà Nẵng nói riêng bứt phá. Ngành du lịch Đà Nẵng hướng đến một số mục tiêu và giải pháp chính như:
Hướng chủ đạo là phát triển Đà Nẵng trở thành trung tâm hội nghị, sự kiện kết hợp tham quan nghỉ dưỡng; ưu tiên phát triển sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng biển cao cấp, du lịch công vụ (MICE); mua sắm, ẩm thực, giải trí; triển khai Quy hoạch hình thành Phố du lịch 24/7, Đề án Phố chuyên doanh phục vụ du lịch; phát triển mô hình du lịch cộng đồng tại khu vực ven biển phường Thọ Quang - Mân Thái (quận Sơn Trà)…
Tiếp tục tăng cường các giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch; tăng cường các giải pháp xử lý quyết liệt những hạn chế tiêu cực của tour du lịch giá rẻ. Đề xuất UBND thành phố Đà Nẵng ban hành Kế hoạch mở rộng thị trường khách du lịch đến Đà Nẵng giai đoạn năm 2019-2021; thuê tư vấn nghiên cứu về ngưỡng phát triển du lịch thành phố Đà Nẵng (sức chứa) để đảm bảo phát triển du lịch bền vững.
Tích cực chỉ đạo công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của cộng đồng, gìn giữ môi trường du lịch; xây dựng và triển khai Đề án Cơ cấu lại ngành du lịch theo hướng chuyển từ số lượng sang chất lượng theo tinh thần Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị; ban hành Quy tắc đạo đức nghề ngiệp của Hướng dẫn viên; tháo gỡ các khó khăn, kêu gọi đầu tư để phát triển du lịch phía Tây thành phố, phát triển du lịch đường sông, đường biển…
Đổi mới cách thức, nội dung trong hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch trong nước và nước ngoài; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin E-Marketing để quảng bá và quản lý du lịch; xúc tiến mở đại diện du lịch ở Châu Âu…
+ Xin cảm ơn ông.
Đức Hoàng
Tin liên quan
-
Đà Nẵng bứt phá 2021: Minh bạch quỹ đất đón 'sóng' đầu tư
Sau khi Thủ tướng phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung TP đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Đà Nẵng đã lập tức công khai, minh bạch thông tin về quỹ đất nhằm chủ động đón làn sóng đầu tư.03-05-2021 -
Toàn cảnh bức tranh bất động sản Đà Nẵng hiện nay
Thị trường bất động sản Đà Nẵng hiện nay đang có dấu hiệu trầm lắng, nhưng theo nhận định của chuyên gia đây là giai đoạn cần thiết để thị trường có sự điều chỉnh hướng đến sự ổn…11-08-2019 -
Người dân đòi nhà tại dự án của Vũ 'nhôm'
Sáng 6-8, rất đông người dân mua nhà tại dự án The Sunrise Bay (phường Thuận Phước và Thanh Bình, quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) đã tập trung tại văn phòng dự án này đòi chủ đầu tư trả lời dứt điểm…06-08-2019 -
Đà Nẵng: Sẽ kiểm tra dự án condotel quảng cáo cấp sổ đỏ lâu dài
Đà Nẵng khẳng định chưa cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở... cho các căn hộ condotel.24-07-2019 -
TRUY NÃ TOÀN QUỐC ‘SIÊU LỪA’ BÁN ĐẤT ẢO Ở ĐÀ NẴNG
Ngày 14-5, Thượng tá Nguyễn Hữu Lài- Phó chánh Văn phòng Cơ quan CSĐT CATP Đà Nẵng cho biết, đơn vị vừa ra quyết định khởi tố bị can đối với Đinh Minh Hùng (1966, trú tổ 108, P. Hòa Minh, Q. Liên Chiểu,…17-05-2019
Tọa lạc tại phường Hòa Quý - quận Ngũ Hành Sơn - Thành phố Đà Nẵng.
Phường Mỹ An
Phường Nại Hiên Đông
Phường Hòa Xuân
Phường An Hải Tây
Tin BĐS mới
Hỗ trợ trực tuyến 24/7
Điện thoại: 0983 500 499
Email : info@sunland24h.net
Tầng 11, Tòa nhà ACB, 218 Bạch Đằng, Đà Nẵng